banner web

Nghị định số 180/2007/NĐ-CP cần sửa đổi để phù hợp với Luật Xây dựng

Sau 6 năm thực hiện, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã phát huy nhiều hiệu quả, nhất là góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự xây dựng. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như đáp ứng những yêu cầu của Luật Xây dựng mới, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP


Hoàn thiện các quy định về quản lý trật tự xây dựng nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại.

Đáp ứng yêu cầu mới của Luật Xây dựng

Có thể thấy, sau thời gian thực hiện, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP được đánh giá có tính khả thi, đạt hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự xây dựng, đặc biệt tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nghị định đã góp phần làm giảm thiểu các hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại các đô thị, góp phần chấn chỉnh công tác thực hiện quy hoạch; quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, biện pháp xử lý đối với từng tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp phép và quản lý trật tự xây dựng đô thị khi xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch xây dựng.

Không chỉ phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp xã, huyện, Thanh tra Xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị mà trình tự, thủ tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị được quy định cụ thể, rõ ràng. Nhờ đó, những vụ việc vi phạm khi phát hiện được xử lý kịp thời, đúng trình tự, thủ tục; tổn thất do hoạt động xây dựng vi phạm được giảm thiểu, các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm minh và kiên quyết.

Tuy nhiên, để kịp thời bổ sung những quy định mới, lược bỏ những quy định không còn phù hợp, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP là vấn đề thực tế và cần thiết. Ngoài ra, sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của Luật Xây dựng năm 2014.

Theo đó, các điều khoản của Luật Xây dựng 2003 trước đây được hướng dẫn chi tiết thi hành tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP bị thay thế và sửa đổi; một số biện pháp xử lý trật tự xây dựng theo Luật Xây dựng năm 2014 bị bãi bỏ như ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm. Hơn nữa, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP được quy định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở đô thị, chưa điều chỉnh đối với trật tự xây dựng ở khu vực ngoài đô thị nên việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở ngoài đô thị còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo quy định của Luật Thanh tra 2010, Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động thanh tra ngành xây dựng chỉ cho phép thành lập Đội thanh tra xây dựng trực thuộc Thanh tra Sở tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung thẩm quyền xử lý trật tự xây dựng của Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng.

Cụ thể hóa những tồn tại bằng “luật”

Việc ban hành Nghị định mới được xây dựng dựa trên những quy định tích cực của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, bổ sung những hành vi vi phạm mới quy định mới phù hợp Luật Xây dựng năm 2014 và hệ thống pháp luật chuyên ngành xây dựng hiện hành, bãi bỏ những hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định của pháp luật.

Khắc phục những bất cập của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, dự thảo Nghị định mới quy định bổ sung phạm vi xử lý trật tự xây dựng ra cả khu vực ngoài đô thị; thời hiệu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng; bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng cho Đội trưởng đội thanh tra xây dựng; làm rõ thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở, làm trung gian để giải quyết về việc bồi thường thiệt hại giữa các bên liên quan về xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng động dân cư nhằm nâng cao hiệu quả và tính khả thi của Nghị định.

Ông Nguyễn Bắc Hà, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: Việc nghiên cứu, ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc ban hành Nghị định mới cần phải có sự tổng kết, phân tích đánh giá và làm rõ được những điểm hạn chế cần sửa đổi trong Nghị định mới. Ngoài ra, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới.

Ông Nguyễn Bắc Hà cũng cho biết, để xử lý những thực trạng tồn đọng trong công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thì rõ ràng không thể chỉ xử lý mỗi công trình là nhà mà không xử lý vi phạm về đất. Thế thì nếu xây dựng Nghị định mới, cần phải có sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường để tránh chồng chéo.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Xây dựng thì Nghị định mới được ban hành không làm tăng chi phí mà sẽ giảm tối đa chi phí triển khai áp dụng trên thực tế, do không phải cùng lúc hướng dẫn cả Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung; giảm thiểu thời gian và các giá trị vật chất phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành; mức phạt hầu hết được giữ nguyên nên không gây xáo trộn về chi phí kinh tế đối với những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Nghị định.

Về mặt xã hội, Nghị định tiếp tục kế thừa những quy định cơ bản của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP mà vẫn phù hợp với quy định của Luật Xây dựng năm 2014 như: hành vi vi phạm trật tự xây dựng; biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng; nguyên tắc xử lý vi phạm trật tự xây dựng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong quản lý trật tự xây dựng; thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp với Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Xử lý vi phạm hành chính như mở rộng phạm vi xử lý trật tự xây dựng ra cả khu vực ngoài đô thị, bãi bỏ biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình vi phạm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định được ban hành sẽ khắc phục được những bất cập đang tồn tại, giúp giảm thiểu chi phí về thời gian, nhân lực phục vụ cho hoạt động kiểm tra, trả lời, hướng dẫn các chủ thể thực hiện quy định của pháp luật. Mặt khác, đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, Nghị định tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động của chủ thể, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong việc tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm pháp lý khi vi phạm. Hành vi vi phạm được xác định theo chủ thể, theo từng trình tự, giai đoạn thực hiện được quy định cụ thể giúp các chủ thể hiểu rõ trách nhiệm pháp lý khi thực hiện hành vi vi phạm, nâng cao ý thức phòng ngừa vi phạm pháp luật.

(*)Tiêu đề được daotaocanbo.com đặt lại

Theo Báo Xây Dựng

 

Các tin khác
Tin tức trong ngành
Đào tạo quản lý
Chương trình phát triển kỹ năng PR Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế quốc tế, sự tham gia của Việt Nam trên các diễn đàn kinh tế mới sẽ mở ra những thời cơ…
Liên kết

Chia sẽ

VIỆN ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ
Hà Nội: 301 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội

Hotline: 0904.889.859
Email:
info@daotaocanbo.com; Website: http://daotaocanbo.com