Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu

Mục lục chính

1. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ theo Điều 82 Luật Đấu thầu 2013 quy định như sau:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

2. Thủ tướng Chính phủ thực hiện trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định các nội dung về đấu thầu quy định tại Điều 73 của Luật này đối với các dự án thuộc thẩm quyền của mình;

b) Phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt;

c) Chỉ đạo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong đấu thầu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

trach nhiem quan ly nha nuoc ve hoat dong dau thau
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu

 

Xem thêm: Quy định về việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

 

2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư

Căn cứ theo Điều 83 Luật Đấu thầu 2013 quy định như sau:

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 81 của Luật này.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm sau đây:

a) Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác về đấu thầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

*Lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hướng dẫn bởi Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019

3. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp

Căn cứ theo Điều 84 Luật Đấu thầu 2013 quy định như sau:

Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

1. Thực hiện quản lý công tác đấu thầu;

2. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu;

3. Giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu;

4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;

5. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về đấu thầu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu;

6. Trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp là người có thẩm quyền thì còn phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 73 của Luật này; trường hợp là chủ đầu tư thì còn phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 74 của Luật này.

*Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm được hướng dẫn bởi Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2018

4. Trách nhiệm của tổ chức vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Căn cứ theo Điều 85 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 14 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

1. Quản lý và vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

2. Bảo mật thông tin trong quá trình đấu thầu qua mạng theo quy định.

3. Cung cấp các dịch vụ hướng dẫn chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện đấu thầu qua mạng và đăng ký, đăng tải thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

5. Thông báo công khai điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin của người sử dụng khi tham gia đấu thầu qua mạng.

Lưu trữ thông tin trong đấu thầu

*Tại Điều 14 Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

1. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư được lưu trữ tối thiểu 03 năm sau khi kết thúc hợp đồng dự án, trừ hồ sơ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại của các nhà đầu tư không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà đầu tư cùng thời gian với việc hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư không được lựa chọn. Trường hợp nhà đầu tư không nhận lại hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại của mình thì bên mời thầu xem xét, quyết định việc hủy hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại nhưng phải bảo đảm thông tin trong hồ sơ đề xuất về tài chính – thương mại của nhà đầu tư không bị tiết lộ.

3. Trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu trữ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi ban hành quyết định hủy thầu.

4. Hồ sơ quyết toán hợp đồng dự án và các tài liệu liên quan đến nhà đầu tư trúng thầu được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

5. Thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động

Căn cứ theo Điều 87 Luật Đấu thầu 2013 quy định như sau:

1. Thanh tra hoạt động đấu thầu:

a) Thanh tra hoạt động đấu thầu được tiến hành đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Luật này;

b) Thanh tra hoạt động đấu thầu là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đấu thầu. Tổ chức và hoạt động của thanh tra về đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Kiểm tra hoạt động đấu thầu:

a) Kiểm tra hoạt động đấu thầu bao gồm: kiểm tra việc ban hành văn bản hướng dẫn về đấu thầu của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; kiểm tra đào tạo về đấu thầu; kiểm tra việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ký kết hợp đồng và các hoạt động khác liên quan đến đấu thầu;

b) Kiểm tra về đấu thầu được tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

3. Giám sát hoạt động đấu thầu:

Việc giám sát hoạt động đấu thầu là công việc thường xuyên của người có thẩm quyền nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Giám sát hoạt động đấu thầu ngành Tài chính

*Theo Điều 5 Quyết định số 2468/QĐ-BTC hướng dẫn như sau:

1. Cục Kế hoạch – Tài chính giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu do Bộ trưởng là người có thẩm quyền (trừ các gói thầu CNTT do Cục Tin học và Thống kê tài chính chủ trì giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu quy định tại khoản 2 Điều này).

2. Cục Tin học và Thống kê tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu CNTT do Bộ trưởng là người có thẩm quyền (trừ các gói thầu CNTT do Cục Tin học và Thống kê tài chính làm chủ đầu tư, bên mời thầu).

3. Khi thấy cần thiết phải thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu do mình là người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 126 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP: Người có thẩm quyền xem xét, giao nhiệm vụ cho đơn vị hoặc cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình thực hiện trong Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc thông báo bằng văn bản (trường hợp trong quá trình đấu thầu) để các chủ đầu tư, bên mời thầu biết và phối hợp thực hiện.

4. Nội dung, phương thức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu và trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu thực hiện theo quy định cụ thể tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 126 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

6. Khiếu nại, tố cáo

Căn cứ theo Điều 88 Luật Đấu thầu 2013 quy định như sau:

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.