Quy định về quản lý và sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án PPP

Mục lục chính

1.   Cơ quan thanh toán phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP và mở tài khoản

Tại Điều 3 Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư (gọi tắt là Thông tư số 88/2018/TT-BTC) quy định như sau:

1. Cơ quan Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn chuẩn bị đầu tư và phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quy định tại Điều 5, Điều 11 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

2. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý vốn chuẩn bị đầu tư và phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện cho giao dịch và phù hợp với việc kiểm soát thanh toán vốn của Kho bạc Nhà nước,

3. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục mở tài khoản theo quy định hiện hành.

quy dinh ve quan ly va su dung chi phi chuan bi dau tu thuc hien cho du an ppp
Quy định về quản lý và sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án PPP

 

Xem thêm: Trách nhiệm của các bên về việc đăng tải, cung cấp thông tin về đấu thầu

 

2.   Nguồn kinh phí và nội dung chi cho công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

Tại Điều 4 Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định như sau:

1. Nguồn ngân sách nhà nước cân đối trong kế hoạch chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh bố trí cho các nội dung chi phí chuẩn bị đầu tư quy định tại Điểm c, d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

2. Nguồn ngân sách nhà nước cân đối trong kế hoạch chi đầu tư phát triển của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; nguồn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án PPP hoàn trả và các nguồn vốn hợp pháp khác bố trí cho các nội dung quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

3. Chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP được phép bổ sung nguồn trích từ tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng (hiện nay là Quyết định số 1191/QĐ-BXD ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Bộ Xây dựng về công bố định mức chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án PPP).

4. Riêng các nội dung chi theo quy định tại Điểm c, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP:

a) Các khoản chi trực tiếp cho dự án PPP được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và/hoặc trích từ tổng mức đầu tư dự án PPP theo quy định của Bộ Xây dựng.

b) Chi hoạt động của đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP phục vụ các hoạt động chung (không gắn với dự án PPP cụ thể) được bố trí từ nguồn chi thường xuyên của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.

3.   Lập, phê duyệt và chấp hành dự toán

Tại Điều 5 Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định như sau:

1. Căn cứ lập dự toán

a) Văn bản bộ, ngành giao cho tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành mình; UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn, cơ quan trực thuộc hoặc UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (nếu có).

b) Danh mục dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP;

c) Kế hoạch triển khai các dự án PPP được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

d) Kế hoạch sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

đ) Chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật hiện hành tương ứng.

e) Nguồn thu từ chi phí chuẩn bị dự án do nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả (nếu có); thu từ bán hồ sơ mời thầu và các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

2. Nguyên tắc lập dự toán

a) Các nội dung chi được bố trí từ nguồn chi thường xuyên của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành về lập dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước.

b) Các nội dung chi được bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển của bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành về lập dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước.

c) Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả nguồn chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP cho bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không yêu cầu nhà đầu tư hoàn trả chi phí chuẩn bị đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thì phần chi phí này không được tính trong phương án tài chính để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận nhà đầu tư.

d) Các khoản thu từ chi phí chuẩn bị đầu tư do nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả và khoản thu từ bán hồ sơ mời thầu còn dư (sau khi đã chi cho công tác tổ chức đấu thầu theo quy định) được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách.

3. Lập, phê duyệt và chấp hành dự toán

a) Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, giám sát thực hiện hợp đồng dự án, chất lượng công trình căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, lập dự toán chi theo từng nội dung chi và nguồn kinh phí quy định tại Điều 4 Thông tư này, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị mình theo từng loại nguồn vốn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành;

b) Sau khi dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phân bổ dự toán cho các đơn vị được giao thực hiện theo quy định;

c) Trường hợp phát sinh dự án PPP được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập bổ sung dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành;

d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định dự toán được phân bổ.

4.   Nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP

Tại Điều 6 Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định như sau:

1. Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án PPP phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách, pháp luật về quản lý nợ công và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP mà bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện phải được quy định trong hồ sơ mời thầu để làm cơ sở cho nhà đầu tư hoàn trả theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.

3. Sau khi hợp đồng dự án được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trúng thầu (hoặc nhà đầu tư trúng thầu và doanh nghiệp dự án), nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả nguồn chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP cho bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện theo hồ sơ mời thầu trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày hợp đồng dự án được ký kết.

4. Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn thu do nhà đầu tư hoàn trả chi phí chuẩn bị đầu tư trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm để tạo nguồn chuẩn bị đầu tư cho các dự án PPP tiềm năng khác. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công và các pháp luật khác có liên quan.

5. Đối với nguồn vốn huy động không phải là ngân sách nhà nước hoặc nhà cung cấp vốn có quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư khác với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước: Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tự chịu trách nhiệm về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này phù hợp với quy định của nguồn vốn đó và các quy định của pháp luật liên quan. Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định riêng, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành.

5.   Quản lý chi phí lựa chọn nhà đầu tư

Tại Điều 7 Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định như sau:

1. Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư gồm

a) Chi phí lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Chi phí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

d) Chi phí thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

e) Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư về kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

2. Định mức chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

3. Quản lý, sử dụng chi phí lựa chọn nhà đầu tư

a) Việc quản lý, sử dụng chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (hiện nay là Thông tư số 190/2015/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2015),

b) Các khoản chi phí cho công tác thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, thẩm định kết quả sơ tuyển; thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư, chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư bao gồm cả trường hợp do các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tự thực hiện hoặc thuê tư vấn thẩm định được bố trí trong dự toán của cơ quan chuyên môn.