Quy định chung về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước

1.   Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 3 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (gọi tắt là Nghị định số 63/2019/NĐ-CP) và được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP như sau:

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước quy định tại Nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.

2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

c) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công tại Điều 6 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc đầu tư, mua sắm tài sản và giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

d) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đi thuê tài sản tại Điều 7 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thuê tài sản và đưa vào sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

đ) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Điều 11 Nghị định này được xác định như sau:

– Hành vi tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất liền kề tự chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng công trình lấn chiếm sang không gian phần diện tích đất thuộc khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng xong công trình lấn chiếm; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại.

– Hành vi tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện.

e)Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công đang được thực hiện là các hành vi quy định tại các Điều 8, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Nghị định này.

3. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định như sau:

a) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc mua sắm tài sản và giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

b) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã hoàn thành việc chi tiền từ quỹ theo nội dung sai mục đích, tôn chỉ của quỹ; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

c) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã hoàn thành việc chi tiền từ quỹ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

d) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế đã chấm dứt; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

đ) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã chấm dứt; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

e)Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp hành vi gây lãng phí trong quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đã chấm dứt; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

g) Hành vi vi phạm quy định về mua sắm tài sản, vật tư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc mua sắm tài sản; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

h) Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiết kiệm đang thực hiện là hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31, khoản 1, khoản 4 Điều 36 Nghị định này; hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định này; hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản, vật tư quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định này.

4. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia được quy định như sau:

a) Các hành vi vi phạm hành chính được xác định đang thực hiện là các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 41, Điều 42, Điều 47, các điểm b, c khoản 3 Điều 48, Điều 49 Nghị định này;

b) Trừ các hành vi vi phạm hành chính nêu tại điểm a khoản này, các hành vi vi phạm hành chính còn lại được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.

Thời điểm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước được xác định là đã kết thúc được quy định như sau:

a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm nộp hồ sơ, chứng từ tại Kho bạc Nhà nước;

b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 61 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm Kho bạc Nhà nước nhận được kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự về vụ việc vi phạm không có dấu hiệu tội phạm.”

IMG dt.29
Quy định chung về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước

 

Xem thêm: Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

 

2.   Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Tại Điều 4 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định như sau:

  1. Hình thức xử phạt chính:

a) Hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền;

b) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000. 000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công:

Tùy theo hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản;

b) Buộc nộp lại số tiền do thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc hoàn trả lại tài sản, trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả bằng tiền hoặc trả bằng tài sản khác có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

d) Buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

đ) Buộc hủy các báo cáo kê khai bị khai man, giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định trong việc đăng nhập, sử dụng số liệu về tài sản công;

e) Buộc điều chỉnh, bổ sung số liệu, thông tin, báo cáo kê khai bổ sung về tài sản công.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Thu hồi nộp về quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước kinh phí sử dụng sai mục đích đối với hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành;

b) Buộc nộp lại quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực dự trữ quốc gia:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do có hành vi vi phạm quy định về mua, bán, bảo quản, cấp phát, cứu trợ; vi phạm quy định về nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; vi phạm quy định về quản lý tiền vốn và phí trong hoạt động dự trữ quốc gia; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh, cầm cố, thế chấp cho thuê, khai thác tài sản thuộc dự trữ quốc gia;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của cơ sở, vật chất – kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

c) Buộc hoàn trả hàng dự trữ quốc gia bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, phá hoại; vi phạm quy định về cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia;

d) Buộc thu hồi hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp không đúng quy định;

đ) Buộc khôi phục lại nguyên trạng tài sản đối với hành vi kinh doanh, cầm cố thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản là kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kho bạc nhà nước:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc thu hồi đối với các khoản đã chi từ việc lập hồ sơ, chứng từ thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện; khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán và phần đã thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng;

b) Buộc thu hồi đối với các khoản đã chi từ việc lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và các khoản chi sai từ việc lập hồ sơ, chứng từ sai so với nội dung trên hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Buộc thu hồi toàn bộ các khoản đã chi từ việc sử dụng hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Buộc phải hoàn thiện lại hồ sơ, chứng từ theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước;

đ) Buộc phải làm thủ tục cam kết chi trước khi đề nghị Kho bạc Nhà nước thanh toán, chi trả ngân sách nhà nước hoặc buộc phải làm lại thủ tục cam kết chi đối với hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi;

e) Buộc phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn tạm ứng ngân sách nhà nước;

g) Buộc phải phong tỏa tài khoản hoặc đóng tài khoản đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; buộc phải phong tỏa tài khoản đối với hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7[1]. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 37 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

3.   Áp dụng mức phạt tiền

Tại Điều 5 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP như sau:

  1. Mức phạt tiền quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 Chương II, mục 1 Chương III, mục 1 Chương IV, mục 1 và mục 2 Chương V Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (trừ quy định tại Điều 17, Điều 23, Điều 27 Nghị định này).
  2. Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
  3. Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.”

[1] Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022